Mỗi năm lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về khoảng 500 tỷ đồng khiến xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) như "lột xác", biệt thự mọc lên khắp xã.
Cuối tháng 8, ông Trần Thông, 61 tuổi, ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đội nắng hỗ trợ thợ xây lát sân cho ngôi nhà ba tầng mới hoàn thành. Hơn 10 năm trước, lão ngư từng an phận với căn nhà cấp bốn bởi gia đình đông con, nghề biển bấp bênh.
Từ khi bốn con trai lần lượt sang làm việc ở Hàn Quốc và Nhật Bản, cuộc sống gia đình đổi thay. Ngoài chu cấp cho gia đình riêng, các con còn góp tiền xây nhà, sắm tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, lò vi sóng... để bố mẹ có cuộc sống tiện nghi lúc tuổi già.
Một góc xã Cương Gián, nơi có gần 2.700 người đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Đức Hùng
Không chỉ gia đình ông Thông, cả xã Cương Gián sung túc nhờ tiền của lao động xa xứ gửi về. Theo Chủ tịch xã Hoàng Văn Hà, làn sóng xuất khẩu lao động bắt đầu ở xã từ năm 1990, khi những thanh niên tuổi đôi mươi nuôi ước vọng làm giàu bằng nghề thuyền viên ở Hàn Quốc. Khi ổn định, họ rủ thêm anh em xuất ngoại, làm giúp việc, lắp ráp linh kiện điện tử ở Đài Loan, Nhật Bản...
Đến những năm 2000, khi lao động làm quen với môi trường và công việc ở nước ngoài, tiền gửi về quê đều đặn, bộ mặt làng quê thay đổi rõ rệt. Đường sá được đổ nhựa hoặc bê tông thay cho những con đường đất, hay lát đá gồ ghề. Hàng nghìn ngôi nhà 2-3 tầng mọc lên san sát. Ngoài sắm vật dụng tiện nghi, các gia đình còn mua ôtô đi lại.
Toàn xã có 15.000 dân với hơn 3.000 hộ, trong đó 2.700 người đang làm việc tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Trung bình mỗi tháng mỗi cá nhân gửi về khoảng 700 USD. Từ xã chuyên nghề đi biển, dệt lưới, làm mắm, Cương Gián được gọi "làng tỷ phú", "làng Hàn Quốc", hay "làng xuất ngoại", bởi số lao động đang làm việc tại xứ sở kim chi chiếm gần một nửa.
Xuất khẩu lao động phát triển mạnh đưa Hà Tĩnh thành một trong ba tỉnh (thêm Nghệ An, Thanh Hóa) có số người làm việc ở nước ngoài theo diện hợp đồng cao nhất cả nước. Thống kê của ngành lao động tỉnh, từ năm 2013 đến nay, số người xuất ngoại gần 69.000, trung bình mỗi năm hơn 7.000, chủ yếu ở huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh...
Tổng thu nhập của lao động Hà Tĩnh đang làm việc tại nước ngoài khoảng 6.800-7.000 tỷ đồng mỗi năm, trong đó số tiền gửi về nước hơn 4.000 tỷ đồng. Nhiều vùng quê trở nên giàu có nhờ đưa lao động đi xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế, thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới...
Một dãy nhà khang trang được xây dựng bằng tiền của người xuất khẩu lao động ở xã Nhân Trạch. Ảnh: Hoàng Táo
Cách Cương Gián khoảng 200 km, thôn Nhân Quang nằm sát bờ biển thuộc xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, cũng đổi thay hơn 10 năm nay nhờ xuất khẩu lao động. Trưởng thôn Phạm Văn Khiển, 65 tuổi, nói 20 năm trước, làng chỉ có 15% hộ khá giả, hộ nghèo chiếm đa số. Nhà ba gian chủ yếu xây vôi, tường không tô trát, lợp ngói. Số nhà có tivi, xe máy đếm trên đầu ngón tay. Khó khăn về kinh tế dẫn đến trộm cắp vặt, đánh nhau... thường xuyên xảy ra.
Một số gia đình sau đó tìm đường sang châu Âu và đã thành công nên thu hút con em trong thôn. Khi nhà nước có chủ trương xuất khẩu lao động, con em trong thôn ào ạt đăng ký đi. Lớp thanh niên từ 20 đến trung niên 40 tuổi bỏ nghề biển, sang Hàn Quốc làm thuyền viên tàu cá. Có gia đình 5 lao động từng được vinh danh ngư dân giỏi cũng lần lượt đi xuất khẩu.
Toàn thôn Nhân Quang hiện có 350 hộ dân, nhưng tới 225 lao động làm việc ở nước ngoài. Tiền gửi về được dùng xây nhà, sắm sửa đồ dùng sinh hoạt, một số đầu tư mở xưởng sản xuất. Cả thôn có 230 biệt thự, trị giá 1,4-2,5 tỷ đồng mỗi căn, 80% số hộ là khá giàu, chỉ còn ba hộ nghèo, một hộ cận nghèo.
Theo ông Khiển, dân giàu, ý thức cũng đi lên, nạn trộm cắp không còn. Xe máy, tài sản giá trị để bên ngoài không ai lấy, nhà không cần khóa cửa. Khi thôn kêu gọi làm đường, ủng hộ thiên tai, dịch bệnh..., người dân hưởng ứng tích cực.
Một cơ sở sản xuất nhôm kính ở xã Nhân Trạch được đầu tư từ nguồn ngoại tệ do xuất khẩu lao động. Ảnh: Hoàng Táo
Tính trên quy mô toàn xã, Nhân Trạch hiện có 1.900 lao động xa xứ. Lao động làm thuyền viên tàu cá, công nhân nhôm kính, hàn xì... với mức lương tháng bình quân 30-40 triệu đồng, người tốt nghiệp đại học, qua làm kỹ sư lương có thể lên 70-75 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ tịch xã Nhân Trạch, cho hay trung bình mỗi lao động xuất khẩu gửi về 1.000 USD mỗi tháng thì cả năm xã thu trên 500 tỷ đồng. Nguồn tiền này chiếm 60% số thu của xã, còn lại 30% đến từ nghề biển, 10% nguồn khác. "Phải khẳng định từ xuất khẩu lao động mà Nhân Trạch khởi sắc, đời sống nâng cao rõ rệt, nhà cửa khang trang. Chúng tôi đặt mục tiêu mỗi nhà có một người đi lao động ở nước ngoài thì cả xã ấm no", ông Nghị nói.
Không chỉ Nhân Trạch, nhiều làng xã ven biển của Quảng Bình như Nhân Trạch, Hải Trạch, Đức Trạch, Thanh Trạch (huyện Bố Trạch), Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) cũng thay đổi nhờ dòng tiền gửi về của lao động xa xứ. Hiện toàn tỉnh có gần 20.000 lao động làm việc ở nước ngoài.
Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm lao động xuất khẩu gửi về 3-4 tỷ USD. Nhiều địa phương giảm gánh nặng giải quyết việc làm cho thanh niên, như Hà Tĩnh năm 2019 có hơn 67.000 lao động làm việc ở nước ngoài, gửi về khoảng 200 triệu USD; Nghệ An hiện có 60.000 lao động, gửi về 500-550 triệu USD...
Tuy nhiên, lao động xuất khẩu cũng để lại nhiều khoảng trống ở làng quê và bản thân họ gặp rủi ro, thậm chí tàn tật, mất mạng nơi xứ người.
Cre : Hoàng Táo - Đức Hùng ( vnexpress.net )