Lao động bỏ trốn về nước: Đáng trách hay đáng thương?

Lao động bỏ trốn về nước: Đáng trách hay đáng thương?

Rất nhiều trường hợp người lao động Việt Nam tham gia xuất khẩu lao động không có cơ hội làm thêm như trong hợp đồng mà công ty môi giới đã hứa. Việc ăn ở đã tốn kém, lại cộng thêm hàng loạt những khoản chi phí ăn ở, sinh hoạt phải trả hàng tháng là những nguyên nhân dẫn đến ngày càng nhiều lao động bỏ trốn.

 an-o-chat-choi


Môi trường sống chật hẹp, khổ cực của một số lao động Việt tại Đài Loan
 

Có nên phạt lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc hay không? Đây là câu hỏi được khá nhiều người quan tâm thời gian gần đây. Đây là vấn đề nhức nhối, không chỉ là nỗi lo của những người lao động tham gia xuất khẩu, mà còn là nỗi lo của gia đình, người thân của họ.

Nói đến hai từ “bỏ trốn”, trong chúng ta không ít người nghĩ đến một hành động sai trái, bất chấp pháp luật, để rồi có cái nhìn không mấy thiện cảm hay thậm chí coi thường hành động đó.

Tuy nhiên, ẩn sau cái  hành động “bất chấp pháp luật” ấy lại là những vấn đề đáng để suy ngẫm.
  
 

Trước khi sang Đài Loan, những người lao động phải trả cho công ty môi giới số tiền khoảng từ 6.000 đến 7.000 USD trong khoảng thời gian ba năm làm việc, chưa kể những chi phí phát sinh sau đó. Người lao động được sống ở ký túc xá của công ty môi giới tại đây và chịu sự quản lý của họ.
 

Mỗi tháng công nhân phải trả rất nhiều khoản phí, những khoản khấu trừ như tiền bảo hiểm, tiền quản lý, tiền thuế Ðài Loan và Việt Nam… còn có những khoản tiền phải đóng cho các trung tâm môi giới Việt Nam (12% tiền lương tháng), môi giới Ðài Loan. Không những vậy, người lao động còn phải trả tiền ký túc xá, tiền ăn uống, phí sinh hoạt…
 

Nếu như một ngày chỉ làm 8 tiếng thì mỗi tháng sau khi trừ hết các khoản phí thì người lao động chỉ nhận về từ 7 đến 8 triệu đồng. Với mức lương ít ỏi như vậy, người lao động phải làm cả năm mới trả hết số tiền vay tại Việt Nam trước khi sang xuất khẩu lao động.
 

Xa quê hương ròng rã ba năm, phải ra sức lao động mà không được kiếm thêm đồng nào, phải sống trong cảnh “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền”. Chưa kể đa số người lao động Việt sang lao động tại đây đều phải vay tiền, và số tiền lãi họ phải trả là con số không hề nhỏ. 

 
Trung tâm môi giới chối bỏ trách nhiệm

 

Như vậy, điều mà người lao động cần nhất chính là vấn đề có được làm tăng ca hay không?

Nắm bắt được tâm lý đó của người lao động, các công ty môi giới hứa với người lao động khi sang đây sẽ có môi trường làm việc tốt, chỗ ăn ở sạch sẽ, có tăng ca, thậm chí là tăng ca rất nhiều.
 

Nhưng khi sang đến nơi, người lao động mới thất vọng “toàn tập”. Lúc này, công ty môi giới mới tìm đủ lý do thuyết phục người lao động ở lại, họ khất lần tháng sau, tháng sau nữa sẽ có tăng ca hay thậm chí là trách người lao động tác phong chậm, làm việc không chăm chỉ nên không có tăng ca.
 

Rất nhiều trường hợp người lao động Việt Nam qua đây không có cơ hội làm thêm như trong hợp đồng. Do đó họ bức xúc, phẫn nộ với công ty môi giới, người hàng tháng nhận tiền của họ, đứng ra giữ vai trò trung gian làm cầu nối, chịu trách nhiệm giúp đỡ cho họ trong quá trình làm việc tại Đài Loan.
 

Tuy nhiên, khi xảy ra vướng mắc thì hai bên lại chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau, cuối cùng người chịu thiệt vẫn là những người lao động.
 

 

Người lao động bị “che mắt”
 

Trước khi trả lời câu hỏi “Có nên phạt lao động bỏ trốn hay không?”, chúng ta cần phải xem xét nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này.
 

Như đã nói ở trên, người lao động Việt Nam qua đây xuất khẩu lao động đều mong muốn được làm thêm để trang trải số tiền đã vay tại quê nhà. Nhưng khi sang đến nơi họ mới biết những lời hứa của công ty môi giới là chỉ là những lời hứa suông, thậm chí những thứ ghi trong hợp đồng còn mù mờ nhằm “bịt mắt” người lao động.
 

Có trường hợp công ty môi giới giới thiệu làm công việc này nhưng khi sang đến nơi thì người lao động phải làm một công việc khác, nhưng rồi cũng phải chấp nhận.

Đó là trường hợp của anh Khánh (quê ở Nghệ An). Anh sang Đài Loan theo đơn hàng điện tử như lời của công ty môi giới, nhưng khi đến nơi, anh mới biết công việc của mình là làm về hoá chất. Công việc hàng ngày của anh là rửa các thùng hoá chất để tái sản xuất.
Anh than thở: “Khổ lắm, vợ tôi ở Việt Nam đang có thai ba tháng, tôi đăng ký qua đây theo đơn hàng điện tử, nhưng sang đến nơi mới biết làm về hoá chất, mùi rất khó chịu nhưng đã qua rồi thì không biết phải làm sao?”. Anh còn cho biết thêm trước đó đã có trường hợp hai người Việt làm tại đây nhưng đã bỏ trốn vì không thể chịu được mùi độc hại này.

 

“Cái tâm” phải được đặt lên hàng đầu
 

Ngoài ra, chuyện ăn ở của người lao động cũng là vấn đề khiến nhiều người bức xúc, họ phải trả tiền cho công ty môi giới nhưng lại phải ở trong ký túc chật hẹp, nóng bức.

Có người lao động chia sẻ: Ở ký túc xá mà giống như ở tù, mà còn không bằng được ở tù. Ở tù, còn được lo ăn uống, có người thăm nuôi. Còn ở đây, mang danh là ký túc xá nhưng lại không được phép tiếp khách, còn chưa kể tới điều kiện sinh hoạt thì thiếu thốn.
 

Không chỉ thế, nhiều người lao động phản ánh rằng, họ bị các ông chủ người Đài đối xử rất thâm tệ, phải làm việc trong môi trường không đảm bảo an toàn lao động, luôn bị dọa đuổi về nước, và mức lương trả thì không xứng đáng với công sức bỏ ra. Xem mức lương hiện tại của lao động làm việc ở đài Loan
  
 

Thiết nghĩ, nếu công ty môi giới làm việc một cách thanh liêm, có lương tâm thì đã không xảy ra những trường hợp người lao động bỏ trốn như hiện nay. Hiện nay, nhiều công ty môi giới mọc lên như nấm, hướng đến lợi nhuận trước mắt mà che mất chữ “tâm”. Họ bị đồng tiền che mắt, để rồi quên mất đi tình người, tình đồng hương. Pháp luật cũng chẳng làm gì được họ, lương tâm thì đã bị đánh cắp, vì vậy họ vẫn tiếp tục những chiêu trò đấy để kiếm tiền.


Cá nhân tôi mong rằng các bạn đang và sắp có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan và các nước khác trên thế giới phải nâng cao cảnh giác để bảo vệ chính bản thân mình. Đừng vội tin vào những lời nói như rót mật vào tai của các công ty môi giới mà cần phải tìm hiểu thật kỹ, đặc biệt là học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và chọn cho mình một trung tâm môi giới uy tín để con đường xuất khẩu lao động trở nên dễ dàng hơn.

 

Chia sẻ ngay bài viết này:


BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

© Copyright © hoangvietmic. All Rights Reserved.. Design by Việt Save
Quay lại đầu trang