Vì sao xin visa vĩnh trú Nhật Bản còn khó hơn cả xin nhập quốc tịch
Vĩnh trú gọi chính xác là Eijuken (永住権, vĩnh trú quyền) và khi bạn xin được Eijuken thì có thể ra vào Nhật một cách tự do như công dân Nhật, bạn có thể xin bất kỳ việc gì bạn muốn thậm chí, không cần đi làm (thất nghiệp) cũng không sao.
Nhưng Eijuken cực kỳ khó xin và đa phần hồ sơ của người Việt có thể nộp nhưng sẽ bị đánh trượt.
Xin visa vĩnh trú Nhật Bản khó hay dễ
Trước hết, chúng ta cần hiểu một số điều về vĩnh trú Nhật Bản (permanent residence).
Vĩnh trú vốn là quyền lợi của những người mong muốn và có khả năng (tài chính) để định cư lâu dài ở Nhật. Trong điều kiện xin vĩnh trú thì có ghi phải ở Nhật liên tục 10 năm trở lên và lao động liên tục 5 năm trở lên.
Dịch vụ xin visa Nhật Bản
Hai điều mà người xin vĩnh trú thường hiểu sai:
(1) Vĩnh trú là quyền lợi của bạn
(2) Bỏ sót từ 引き続き HIKITSUZUKI (liên tục) trong điều kiện
Vì hiểu sai về vĩnh trú nên làm hồ sơ thường yếu và bị trượt. Đặc biệt, quốc tịch Việt Nam cũng không dễ xin vĩnh trú vì một số lý do đặc thù (nêu bên dưới).
Vĩnh trú là quyền lợi của ai?
Vĩnh trú không hẳn là quyền lợi của bạn mà là của nước Nhật. Hãy suy nghĩ như người Nhật: Họ chỉ cấp cho người mà khi sống ở Nhật sẽ làm lợi cho nước Nhật hay dân tộc Nhật. Họ không cấp cho người mà sẽ làm hại cho người Nhật hay không được chào đón.
Tức là bạn phải chứng tỏ bạn là người có lợi cho nước Nhật hay ít ra, trong hồ sơ phải thể hiện như thế.
Cư trú “liên tục” là như thế nào?
Nhiều người bỏ sót chữ quan trọng này. Ví dụ bạn ở 5 năm rồi về 1 năm rồi quay lại làm việc 5 năm thì cũng không liên tục. Có thể bạn vẫn đủ điều kiện nộp hồ sơ nhưng không xin được vĩnh trú.
Điều quan trọng là cục xuất nhập cảnh Nhật Bản không định nghĩa “liên tục” là thế nào. Và nếu nộp hồ sơ trượt thì bạn không được thông báo lý do trượt. Có thể bạn chỉ về nước vài tháng là được coi là không liên tục. Nếu là học sinh và nghỉ hè về nước thì sao? Không có quy định cụ thể mà cục sẽđánh giá hồ sơ xin vĩnh trú của bạn một cách tổng thể.
Vì sao xin vĩnh trú còn khó hơn nhập quốc tịch Nhật Bản?
Nhập quốc tịch gọi là 帰化 KIKA (quy hóa) và KIKA là nhập quốc tịch nói chung chứ không phải riêng cho nhập quốc tịch Nhật Bản (và không có nghĩa là “quy thuận”). Điều kiện nhập quốc tịch Nhật Bảnlà ở Nhật liên tục 5 năm trở lên, có khả năng tài chính, v.v…
Ngay điều kiện nộp hồ sơ nhập quốc tịch đã dễ hơn vĩnh trú (nhưng vẫn bị dính chữ “liên tục”). Thực sự là nhập quốc tịch dễ hơn xin vĩnh trú khá nhiều. Các bạn thường nghĩ là ngược lại đúng không?
Lý do là các bạn thường nghĩ việc xin vĩnh trú, nhập quốc tịch là quyền lợi của bạn mà không nhìn từ phía nước Nhật: Đó là quyền lợi của nước Nhật. Nước Nhật chỉ cấp vĩnh trú và quốc tịch cho những người có vẻ sẽ làm lợi hay đóng góp cho nước Nhật, dân tộc Nhật. Họ không cấp vĩnh trú cho những kẻ ăn bám, thiếu năng lực, không trung thành, v.v…
Vĩnh trú và nhập quốc tịch khác nhau cơ bản là: Vĩnh trú thì bạn vẫn giữ quốc tịch cũ tức là bạn có thể mời gia đình qua Nhật sống. Như vậy nước Nhật phải gánh thêm cả gia đình bạn (chắc gì họ có khả năng lao động hay nói được tiếng Nhật). Còn nhập quốc tịch thì bạn từ bỏ MỌI THỨ đối với quốc tịch cũ tức là bỏ cả gia đình. Vì thế, nếu bạn nhập tịch thì khả năng nước Nhật phải gánh gia đình bạn sẽ không có (cùng lắm chỉ cần gánh bạn thôi nếu bạn sa ngã).
Đây là lý do mà nhập quốc tịch dễ thở hơn xin vĩnh trú nhiều. Tuy nhiên, hồ sơ của người có quốc tịch Việt Nam thì không dễ xin vĩnh trú.
Lưu ý khi làm hồ sơ xin vĩnh trú
Người Việt khó xin vĩnh trú vì họ rất hay về nước (thực ra là thường xuyên), sự kết nối với gia đình ở nhà rất mạnh và đã bị dán nhãn là “tính gia đình mạnh, tính độc lập cá nhân ít”. Điều này không nói thì bạn cũng tự quan sát thấy (đa phần mọi người đều coi trọng gia đình, hay nhớ nhà). Đây là lý do mà cục xuất nhập cảnh sẽ nghi ngờ bạn sẽ đón cả gia đình qua Nhật sống.
Ngoài ra, họ còn xem học lịch, quá trình đi làm và đóng góp của bạn (mức lương bạn được nhận). Hồ sơ xin vĩnh trú sẽ được đánh giá một cách tổng hợp xem bạn có phải là cá thể độc lập và sẽ đóng góp cho Nhật Bản không.
Phần lớn du học sinh Việt Nam đều không học trường xịn, hay về nước (kết nối gia đình mạnh), công việc không nổi bật, v.v… nên thường hồ sơ bị chấm điểm thấp và không đậu.
Chú ý là nếu xin vĩnh trú thì bạn nên qua văn phòng luật (chi phí tầm 20 man) để hồ sơ chắc chắn ngay từ đầu. Họ sẽ kiểm tra và chấm điểm hồ sơ của bạn trước khi nộp. Nếu bạn nộp mà không có người kiểm tra và trượt thì lần sau sẽ khó gấp bội vì nộp lần 2 phải thống nhất với nộp lần 1. Cũng giống như hồ sơ du học, bạn tiếc một chút tiền thì sẽ tốn rất nhiều tiền bạc, công sức về sau.