Hiện nay, Bộ Tư pháp yêu cầu các Bộ, ngành xây dựng quá nhiều loại Kế hoạch nhưng không có cơ sở pháp lý về việc xây dựng Kế hoạch này, như Kế hoạch về quản lý xử lý vi phạm hành chính hàng năm. Một số loại Kế hoạch có nội dung trùng lặp (Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật chung và Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính...) hoặc nhiều kế hoạch không thực tiễn vì nội dung nhỏ và đã gắn với hoạt động chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị (Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị...; Kế hoạch sơ kết Nghị định số 59 về theo dõi thi hành pháp luật...).
Liên quan đến những thắc mắc này, Bộ Tư pháp cho rằng, trong hoạt động quản lý ở bất kỳ lĩnh vực, phạm vi và cấp độ nào, kế hoạch công tác có vai trò hết sức quan trọng.
Những năm gần đây, quán triệt phương châm “quản lý bằng kế hoạch và trên cơ sở kế hoạch”, Lãnh đạo Bộ Tư pháp luôn quan tâm, chỉ đạo xây dựng các kế hoạch công tác, nhất là kế hoạch công tác theo lĩnh vực chuyên môn thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành Tư pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ trong toàn Ngành. Tùy theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ chuyên môn, ở phần tổ chức thực hiện những kế hoạch đó, Bộ Tư pháp thường yêu cầu/đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp tiếp tục xây dựng kế hoạch để triển khai nhiệm vụ, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong toàn quốc. Những yêu cầu/đề nghị này là hoàn toàn hợp lý và cần thiết, bởi mỗi Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có phạm vi triển khai nhiệm vụ khác nhau và có những điều kiện đặc thù riêng mà kế hoạch công tác của Bộ Tư pháp không thể bao quát hết được. Tùy từng trường hợp cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có thể xây dựng kế hoạch riêng để triển khai nhiệm vụ hoặc ghép phương án triển khai nhiều nhóm nhiệm vụ vào chung một kế hoạch.Theo đại diện Bộ Tư pháp, "kế hoạch là cơ sở, đồng thời là công cụ để quản lý, điều hành; là thước đo khách quan để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các đối tượng được giao nhiệm vụ. Căn cứ vào kế hoạch, chủ thể quản lý mới có phương án phù hợp để huy động và cân đối, phân bổ nguồn lực (nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí) để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, hướng tới mục tiêu đã định. Việc xây dựng kế hoạch công tác xuất phát từ nhu cầu quản lý điều hành của chủ thể quản lý, không phụ thuộc vào việc có văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính quy định việc xây dựng kế hoạch đó hay không. Nói cách khác, không nhất thiết phải có căn cứ pháp lý mới được xây dựng hoặc yêu cầu/đề nghị xây dựng kế hoạch công tác".